Skip to main content

Quy định về Nhãn theo dõi đối với sản phẩm dành cho trẻ em

Đây là phần hỏi đáp của CPSC về quy định nhãn theo dõi đối với các sản phẩm tiêu dùng dành  cho trẻ em.

Sản phẩm dành cho trẻ em được thiết kế hoặc dự tính chủ yếu để sử dụng cho trẻ em 12 tuổi hoặc nhỏ hơn phải có dấu phân biệt thường trực (gọi chung là “nhãn theo dõi”). Các nhãn này:

Phải dán kèm sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, và

Cung cấp một số thông tin nào đó về nhận dạng sản phẩm

Nếu quý vị sản xuất sản phẩm lâu bền cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, quý vị phải có thêm thẻ đăng ký sản phẩm và đóng gói theo quy định trình bày ở những trang này.

TẤT CẢ các nhãn theo dõi phải chứa đựng một số thông tin căn bản nào đó, bao gồm:

Tên của nhà sản xuất hoặc người dán nhãn tư nhân;

Địa điểm và ngày sản xuất sản phẩm;

Thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, chẳng hạn như số đợt hàng, lô hàng hoặc những đặc điểm nhận dạng khác; và

Bất kỳ thông tin nào khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc chính xác của sản phẩm.

Tất cả các thông tin trên nhãn theo dõi phải dễ thấy và rõ ràng, dễ đọc.

Sự tuân thủ quy định về nhãn theo dõi sẽ giúp cải thiện tính hiệu quả và mức độ đáp ứng trong những đợt thu hồi sản phẩm trong tương lai. Nó cũng giúp ích cho nhân viên CPSC và các công ty trong dây chuyền thương mại. Khi một bộ phận hợp thành sản phẩm được xác định là nguồn gốc gây rủi ro hoặc vi phạm quy tắc, nhãn theo dõi sẽ giúp nhận dạng những sản phẩm khác có thể cùng bộ phận hợp thành đó.

Những câu hỏi thường gặp

Ai phải chịu trách nhiệm tuân thủ quy định về nhãn theo dõi?

Nhà sản xuất Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm được sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài.

Tôi có thể tìm thấy điều luật này ở đâu?

Quý vị có thể tìm thấy điều luật này ở Mục 14 (a) (5) của Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng, 15 U.S.C. § 2063 (a) (5) (CPSA). (Quy định này nguyên thủy là một phần của Mục 103 của Luật Cải thiện An toàn Sản phẩm Tiêu dùng năm 2008 (CPSIA) (Công luật 110-314).)

Ủy Ban cũng đã xuất bản một tuyên bố chính sách về quy định này.

Tôi đã dán nhãn sản phẩm của mình theo các quy định liên bang khác. Tôi có phải thêm một “nhãn theo dõi” nữa không?

“Nhãn theo dõi” là thuật ngữ viết tắt được dùng thay cho cụm từ “các dấu hiệu phân biệt thường trực” đề cập trong Mục 14 (a) (5) của CPSA. Các nhà sản xuất không nên diễn dịch “nhãn” theo nghĩa rằng tất cả các thông tin đều phải được in ra tại một vị trí kín đáo hoặc trên một cái nhãn. Nếu một sản phẩm đã có một số hoặc tất cả các thông tin theo quy định thì nhà sản xuất không cần phải sao chép lại những dấu hiệu đã có ấy trên một cái “nhãn” mới và “những dấu hiệu phân biệt thường trực” phải bổ sung theo quy định có thể được thêm vào cái nhãn đã có.

Ví dụ, Ủy Ban tin rằng những thông tin được yêu cầu, đã được ghi dấu thường trực trên sản phẩm để định thương hiệu cho nó, hoặc bằng cách nào đó để tuân thủ các quy định khác của Ủy Ban hoặc của liên bang, chẳng hạn như những quy định được ban hành theo Luật về Hàng Dệt may, Len và Lông thú hoặc các quy tắc về dán nhãn nước xuất xứ… có thể được coi như là một phần của “các dấu hiệu phân biệt” theo quy định của Mục 14 (a) (5) của CPSA. Tuy nhiên, Số Nhận dạng Đăng ký (RN) mà Ủy ban Thương mại Liên bang quy định theo Luật về Hàng Dệt may, Len và Lông thú tự nó lại không đáp ứng được quy định này.

Bất cứ dấu hiệu nào mà nhà sản xuất dựa vào đều phải có tính thường trực và sản phẩm vẫn cần phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đã được đặt ra trong mục 14 (a) (5) của CPSA.

Những thông tin nào cần được cung cấp về sản phẩm và bao bì đóng gói chúng nhằm đáp ứng quy định về nhãn theo dõi?

Nhãn theo dõi phải chứa đựng những thông tin cho phép nhà sản xuất và người mua hàng cuối cùng xác định nhà sản xuất hoặc người dán nhãn tư nhân, địa điểm và ngày sản xuất sản phẩm, các thông tin về nhóm (chẳng hạn như đợt hàng, lô hàng hoặc các đặc điểm nhận dạng khác) và bất kỳ thông tin nào khác mà nhà sản xuất xác định là có tác dụng giúp xác định nguồn gốc cụ thể của sản phẩm.

Tên của nhà sản xuất có cần phải được ghi trên nhãn theo dõi không?

Có. Nhãn theo dõi phải chứa đựng các thông tin cho phép người mua hàng sau cùng xác định nhà sản xuất hoặc người dán nhãn tư nhân, địa điểm và ngày sản xuất của sản phẩm, và những thông tin về nhóm hàng (bao gồm số lô hàng, đợt hàng và những đặc điểm nhận dạng khác).

Mục đích ghi ngày sản xuất trên nhãn theo dõi là gì?

Sản phẩm có thể không phải lúc nào cũng được sản xuất trong cùng một ngày. Do đó, ngày sản xuất có thể là một khoảng thời hạn, nếu như sản phẩm được sản xuất ra trong một quãng thời gian. Khi sản phẩm là một tập hợp của nhiều hạng mục hoặc bộ phận riêng rẽ được lắp ráp với nhau hoặc xếp chung trong một bao bì thì Ủy Ban diễn dịch ngày sản suất có nghĩa là ngày lắp ráp hoặc tập hợp chúng vào một bao bì.

Mục đích của việc ghi địa điểm sản xuất trên nhãn theo dõi là gì?

Tên của quốc gia và thành phố nơi sản phẩm được sản xuất ra là đủ để cho biết địa điểm sản xuất. Tuy nhiên, nhà sản xuất luôn luôn phải chịu trách nhiệm cho việc xác định nguồn gốc cụ thể của sản phẩm trong trường hợp Ủy Ban tiến hành việc điều tra về sự tuân thủ hoặc có hành động khác.

Có ngoại lệ nào không?

Quốc hội đã sửa đổi quy định về dán nhãn theo dõi bằng cụm từ “tới mức có thể thực hiện được”, do nhận thức rằng sẽ là phi thực tế nếu bắt buộc phải in các dấu hiệu phân biệt thường trực trên các món đồ chơi nhỏ và các sản phẩm nhỏ được sản xuất và chuyên chở mà không có bao bì đóng gói riêng cho từng sản phẩm. Trong những tình huống như vậy, bao bì hoặc thùng carton trong đó sản phẩm được chuyên chở tới tay nhà bán lẻ phải được đánh dấu.

“Tới mức có thể thực hiện được” có nghĩa là gì?

Trong tuyên bố về chính sách của mình, Ủy Ban nói rằng Ủy Ban kỳ vọng nhà sản xuất chỉ không theo đúng các quy định cụ thể vì những lý do đã được cân nhắc và có thể xác định rõ rang..

Mỗi nhà sản xuất đều có trách nhiệm phải đưa ra một phán đoán hợp lý về thông tin được yêu cầu nào có thể được ghi trên sản phẩm và bao bì của mình, tùy thuộc vào tính chất và loại sản phẩm và bao bì của họ. Khi xem xét tính chất hợp lý của một quyết định của nhà sản xuất liên quan tới thông tin nào được bao gồm trong việc đánh dấu, Ủy Ban có ý định xem xét tình huống của từng nhà sản xuất, cùng với cách làm của các nhà sản xuất có hoàn cảnh và điều kiện tương tự. Nếu một nhà sản xuất quyết định rằng, sẽ không thực tế khi đánh dấu sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm, nhà sản xuất ấy phải đưa ra bản ghi bằng văn bản những lý do được dùng làm cơ sở cho quyết định của mình, bao gồm cả những bản sao của bất kỳ cuộc nghiên cứu nào được thực hiện về cách làm của các nhà sản xuất có hoàn cảnh và điều kiện tương tự và những thông tin khác về sản phẩm của họ, coi đó như là yếu tố góp phần đưa đến quyết định của nhà sản xuất.

Xin nhớ rằng việc dán nhãn theo dõi được quy định cho cả sản phẩm lẫn bao bì của nó. Mặc dù  việc dán nhãn theo dõi trực tiếp lên sản phẩm có thể khó thực hiện được, những  thông tin trên nhãn theo dõi này vẫn có thể được ghi trên bao bì của sản phẩm.

Ủy Ban có cung cấp các thông số hoặc hướng dẫn như kích thước, vị trí và hình thức của nhãn theo dõi không?

Ủy Ban không cung cấp các thông số hoặc dự thảo một nhãn theo dõi mẫu bởi vì mỗi loại sản phẩm tiêu dùng có thể cần một loại nhãn theo dõi khác nhau. Nếu quý vị là một nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc một người dán nhãn tư nhân, và đã đáp ứng được tất cả các quy định trong mục 14 (a) (5) của CPSA thì quý vị đã đáp ứng được đòi hỏi của pháp luật.

Nếu tôi đánh dấu sản phẩm của mình và đóng gói nó với một mã vạch và một địa chỉ website, nơi mà người ta có thể tìm thấy mọi thông tin được đòi hỏi, thì có phải thông tin đó có thể được xác định không?

Đúng, miễn là tên của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc người dán nhãn tư nhân cũng được xác định để cho một người tiêu dùng không tiếp cận được với internet cũng có thể biết họ phải liên lạc trực tiếp với ai để có được những thông tin được yêu cầu.

Dấu  hiệu “thường trực” nghĩa là gì?

Ủy Ban coi dấu hiệu “thường trực” trên một sản phẩm là một dấu hiệu có thể  được kỳ vọng một cách hợp lý rằng nó sẽ còn mãi trên sản phẩm trong suốt vòng đời sử dụng của sản phẩm đó.

Một dấu hiệu trên bao bì sẽ bị vứt bỏ chỉ cần “thường trực” tới mức đủ bền vững để đến được tay của người tiêu dùng. Như vậy, một cái nhãn dính bằng keo trên một mảnh bao bì có thể vứt bỏ cũng có thể được coi là đủ cho một dấu hiệu trên bao bì. Hơn thế nữa, nếu một dấu hiệu được nhìn thấy rõ ràng trên sản phẩm xuyên qua bao bì có thể vứt bỏ thì không cần phải dán dấu hiệu đó trên bao bì nữa.

Ủy Ban biết rằng một số tiêu chuẩn mang tính chất tự nguyện có những điều khoản liên quan tới tính chất thường trực của nhãn. Những tiêu chuẩn đó có thể cung cấp một sự hướng dẫn nào đó cho nhà sản xuất trong việc quyết định xem một dấu hiệu có tính cách “thường trực” hay không.

Có cần phải đánh dấu cả bao bì lẫn sản phẩm hay không?

Trong đa số trường hợp, cả bao bì lẫn sản phẩm đều phải được đánh dấu. Tuy nhiên, quy chế thừa nhận rằng điều này không phải lúc nào cũng làm được. Một số trường hợp được Ủy Ban đồng ý là không thể đánh dấu lên sản phẩm bao gồn:

Nếu sản phẩm có kích thước quá nhỏ, không thể đánh dấu được; lịch sử lập pháp của luật thừa   nhận rằng kích thước của một sản phẩm là yếu tố chủ yếu được xem xét để quyết định xem có thể chỉ cần đánh dấu lên bao bì mà thôi hay không.

Nếu một món đồ chơi được nhằm để chứa trong một chiếc hộp hoặc một loại bao bì khác, chẳng hạn như các trò chơi có những tấm bảng nhỏ và những “quân cờ” nhỏ, thì trong trường hợp này tấm bảng và cái hộp phải được đánh dấu nhưng không cần thiết phải đánh dấu lên từng “quân cờ”. Xin nhắc lại chỉ có chiếc hộp chứa và một bộ phận hợp thành của bộ sản phẩm mới cần được đánh dấu chứ không phải đánh dấu tất cả các vật trong bộ sản phẩm. Khi có một số lượng sản phẩm nhỏ, chẳng hạn như những viên bi, hạt nút, viên nhựa được đóng gói cùng với nhau thì Ủy Ban tin rằng chỉ cần đánh dấu vào bao bì là đủ. Với những sản phẩm luôn luôn được đựng trong bao bì nguyên thủy của chúng thì bao bì cũng được coi là một phần của “sản phẩm”.

Nếu sản phẩm được bán thông qua một máy bán hàng không đóng gói (hàng rời) thì sản phẩm  này không cần được đánh dấu riêng rẽ nhưng phải đánh dấu lên bao bì hoặc thùng carton mà sản phẩm đó được vận chuyển tới tay nhà bán lẻ.

Nếu một dấu bằng vật chất có thể làm suy yếu, hư hại sản phẩm hoặc ảnh hưởng xấu tới công dụng của nó thì sản phẩm ấy không cần phải được đánh dấu riêng rẽ.

Nếu bề mặt của sản phẩm không thể được đánh dấu thường trực, chẳng hạn như các sản phẩm được làm từ vật liệu co giãn, hạt, miếng vải nhỏ, (ví dụ đồ trang sức, đồ kẹp tóc) hoặc các sản phẩm thủ công như ống điếu, đá thiên nhiên…

Nếu yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm có thể bị dấu hiệu làm hỏng và dấu hiệu không thể dán ở vị trí kín đáo nhưng dễ thấy dễ đọc thì sản phẩm ấy cũng không cần phải được làm dấu riêng rẽ.

Đối với những sản phẩm được bán theo từng bộ, từng đôi (cặp) và chỉ có thể sử dụng như một bộ, một đôi (cặp) thì chỉ một sản phẩm trong bộ/đôi (cặp) hoặc một phần không thể tách rời của bộ sản phẩm ấy cần  phải được ghi dấu. Ví dụ như giày, dép.

Xin nhớ rằng ngay cả khi sản phẩm không cần phải ghi dấu, dựa trên những ví dụ trình bày ở trên, thì bao bì chứa đựng sản phẩm vẫn phải được ghi dấu.

Có được dùng nhãn dính bằng keo để làm nhãn theo dõi trên sản phẩm và/hoặc bao bì chứa đựng sản phẩm hay không?

Được, nếu đáp ứng được một số điều kiện. Nhãn phải có tính chất thường trực theo nghĩa là nó phải nguyên vẹn trong suốt vòng đời của sản phẩm dùng cho trẻ em. Một dấu hiệu dán trên bao bì có thể vứt bỏ được chỉ cần phải thường trực tới mức độ nó đủ bền vững để tới được tay người tiêu dùng. Như vậy, một cái nhãn dán bằng keo dính trên một phần bao bì vứt bỏ được có thể là đủ để được coi như một dấu hiệu trên bao bì.

Đối với sản phẩm dệt may, có thể dùng nhãn treo và nhãn đính làm nhãn theo dõi không?

Không. Luật đòi hỏi những dấu hiệu với những thông tin cụ thể phải có tính thường trực. Nhãn treo và nhãn đính không có tính chất thường trực như vậy. Nhãn của sản phẩm dệt may phải đủ bền vững để tồn tại trong suốt vòng đời dự tính của sản phẩm nếu người tiêu dùng phải làm theo các hướng dẫn về sử dụng và bảo quản.

Tôi sản xuất đồ dùng cho trẻ em kiểu thủ công trong gia đình. Quy định về nhãn theo dõi sẽ ảnh huởng đến tôi như thế nào?

Quý vị phải tuân thủ quy định này bởi vì luật không có miễn trừ hoặc ngoại lệ đối với quy định này căn cứ vào quy mô của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi xem xét nghĩa vụ của quý vị, quý vị nên xem kỹ những điều sau đây:

Hiện thời quý vị đang sử dụng hệ thống theo dõi loại nào? Khi sản xuất ra sản phẩm, quý vị không nhất thiết phải tạo ra một hệ thống mới về lô hàng, đợt hàng hoặc số loạt hàng để xác định thời gian quý vị làm ra sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của quý vị và bao bì đóng gói chúng phải xác định công ty của quý vị với đầy đủ chi tiết để giúp người tiêu dùng liên lạc với quý vị nhằm xác định những thông tin cần thiết.

Những thông tin nào cần được xác định về sản phẩm của quý vị? Nếu có ai đó đưa cho quý vị một trong số những sản phẩm mà quý vị bán ra thị trường trong năm ngoái, liệu quý vị có thể nói cho họ biết sản phẩm ấy sử dụng vật liệu gì hay không? Quý vị phải lưu trữ hồ sơ, bao gồm cả các giấy biên nhận, hóa đơn mua hàng, bởi vì chúng sẽ giúp quý vị xác định nguồn gốc sản phẩm của mình, các bộ phận hợp thành và thời điểm quý vị bắt đầu sử dụng chúng.

Sản phẩm của quý vị được đánh dấu như thế nào? Nếu có ai đó có một trong số những sản phẩm của quý vị được bán ra năm ngoái, liệu họ có biết nên gọi điện cho ai khi xảy ra vấn đề hay không? Ngoại trừ những tình huống bất thường, tên doanh nghiệp của quý vị phải được ghi trên sản phẩm của quý vị với đầy đủ chi tiết để giúp cho người tiêu dùng liên lạc với quý vị. Quốc hội thừa nhận rằng, sẽ có những trường hợp trong đó việc đánh dấu một sản phẩm có thể không khả thi, chẳng hạn những sản phẩm có kích thước quá nhỏ. Hãy xem các ví dụ được trình bày ở trên, trong đó việc đánh dấu một sản phẩm có thể là không khả thi.

Bao bì của quý vị được đánh dấu như thế nào? Liệu một nhà bán lẻ các sản phẩm của quý vị có thể nhìn thấy, trên bao bì (hoặc trên sản phẩm nếu như nhãn đánh dấu sản phẩm là hoàn toàn dễ thấy, dễ đọc) những thông tin sẽ giúp cho họ lấy đúng sản phẩm của quý vị xuống khỏi kệ hàng trong trường hợp sản phẩm bị thu hồi?

Việc tuân thủ các quy định mới sẽ đòi hỏi một số nhà sản xuất hàng thủ công nhỏ lẻ phải suy nghĩ lại cách thức họ lưu trữ tài liệu và đánh dấu sản phẩm của mình

Tôi sản xuất những khối gỗ đồ chơi cho trẻ em, mỗi bộ có khoảng 20 khối. Tôi phải đánh dấu các sản phẩm này như thế nào?

Quốc hội thừa nhận rằng, đánh dấu tất cả các bộ phận trong một bộ đồ chơi trẻ em có một tấm bảng và nhiều mảnh đồ chơi nhỏ có thể là không khả thi. Không cần thiết phải đánh dấu tất cả 20 khối gỗ trong mỗi bộ đồ chơi của quý vị. Tùy thuộc vào tính chất của các khối gỗ, quý vị có thể đánh dấu vào một mặt của một khối là hợp lý. Nếu như các khối gỗ đó đi kèm với một hộp chứa  hoặc một cái bao đựng có thể tái sử dụng thì vật chứa cũng được coi là một phần của sản phẩm và phải có ghi các thông tin được quy định.

Tôi sản xuất vớ (tất) cho trẻ em. Tôi có phải đính kèm nhãn theo dõi cho từng sản phẩm không?

Không. Tính hợp lý của việc đính kèm nhãn vào sản phẩm dệt kim đã được xem xét đầy đủ trong việc áp dụng các quy tắc liên bang về Dán Nhãn Chăm sóc. Các quy tắc đó hướng dẫn những gì được áp dụng trong trường hợp này. Bao bì bên ngoài thì vẫn phải ghi những thông tin được quy định.

Công ty của tôi sản xuất và nhập khẩu các loại giường khác nhau, cũng như tủ đầu giường, ngăn kéo, tủ áo nhiều ngăn và gương soi. Có cần phải dán nhãn theo dõi cho đồ dùng gia đình dành cho trẻ em hay không?

Có. Quý vị phải dán nhãn theo dõi cho tất cả các sản phẩm nếu như sản phẩm đó được thiết kế và có và được dự định chủ yếu dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Trong một bộ đồ dùng gia đình cho trẻ em cần thiết phải có nhãn theo dõi dán vào từng vật dụng, kể cả những vật dụng trong một bộ sản phẩm.

Nguồn:

Tuyên bố Chính sách: Diễn dịch và Thực thi Mục 103 (a) của Luật Cải thiện An toàn Sản phẩm tiêu dùng, tháng 7-2009 (pdf).

 

Tài liệu trên đây được chuẩn bị chỉ nhằm mục đích thông tin tổng quát, căn cứ trên những dữ kiện và thông tin được trình bày. Tài liệu này không tạo thành và cũng không có ý định tạo thành một sự tư vấn pháp lý, chưa được Ủy Ban xem xét và phê chuẩn và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của Ủy Ban. Mọi quan điểm trình bày trong tài liệu này có thể bị Ủy ban thay đổi hoặc loại bỏ.

Report an unsafe product